SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH ĐỊNH

TRƯỜNG THPT NGUYỄN DIÊU

TIN TỨC

Trang chủ » Hoạt động » “MỘT HÀNH TRÌNH NHIỀU ĐIỂM ĐẾN” CÙNG THPT NGUYỄN DIÊU (11A6, 11A11, 12A6)

CHUYÊN MỤC

TIN TỨC MỚI NHẤT

THÔNG BÁO MỚI

“MỘT HÀNH TRÌNH NHIỀU ĐIỂM ĐẾN” CÙNG THPT NGUYỄN DIÊU (11A6, 11A11, 12A6)

Xuất phát từ khi còn sớm, tiết trời hơi âm u và gió lạnh man mát khiến ai cũng phải xuýt xoa, len lỏi vào đó là không khí hào hứng của thầy và trò về chuyến đi sắp tới, ai ai cũng hân hoan vui vẻ, những túi đồ chứa vật dụng cần thiết, những chiếc điện thoại đã đầy pin và chiếc mũ màu vàng đặc trưng của công ty du lịch Thanh Thảo Tourist rực sáng cả một vùng trời. Với tâm thế đó, chúng tôi đã rộn ràng dắt nhau lên xe. Trời Quy Nhơn hôm ấy không rực rỡ nắng vàng, cũng chẳng có cái nóng oi bức thường thấy. Một buổi sáng âm u, gió biển se lạnh phả vào mặt ngay từ lúc bước xuống xe, nhưng chẳng ai trong chúng tôi thấy khó chịu cả. Ngược lại, cái không khí lành lạnh ấy lại khiến cả bọn phấn khích hơn. Một ngày dài phía trước, bao nhiêu cảnh đẹp, bao nhiêu câu chuyện đang chờ chúng tôi khám phá! 

 

Eo Gió – chạm vào hơi thở của biển cả 

Điểm đến đầu tiên chính là Eo Gió – nơi được mệnh danh là “đệ nhất thiên đường biển” của Quy Nhơn. Chỉ mới vừa bước chân đến, chúng tôi đã hiểu ngay vì sao người ta gọi nó như thế. Con đường bậc thang quanh co men theo sườn núi, phía dưới là sóng biển tung bọt trắng xóa. Gió ở đây không đùa được đâu, thổi mạnh đến mức có lúc tưởng như có thể cuốn bay cả người luôn ấy! Nắm tay nhau đứng ở đó và cùng nhìn ra đại dương bao la, chúng tôi chợt cảm thấy bản thân nhỏ bé đến lạ. Cảm giác ấy rất khó tả – vừa tự do lại vừa lắng đọng. 

Tịnh xá Ngọc Hòa – một phút lắng đọng tâm hồn 

Chúng tôi tiếp tục ghé thăm Tịnh xá Ngọc Hòa – nơi có tượng đôi Phật Bà Quan Âm cao nhất Việt Nam. Hai bức tượng đối lập nhau – một hướng ra rừng, một hướng ra biển – như thể bảo vệ cả đất liền lẫn đại dương. Bước vào không gian tĩnh lặng này, tự nhiên ai cũng đi chậm lại, tiếng nói chuyện cũng nhỏ hẳn. Ba lớp cùng với thầy cô đã lần lượt cùng nhau vào thắp nén hương, cùng nhau cầu cho mình, cho mọi người những điều tốt đẹp nhất. Một cảm giác bình yên bao trùm, khác hẳn với những tiếng ồn ào náo nhiệt khi nãy ở Eo Gió. 

Con đường đá xanh – dấu chân trên vạt thời gian  

Từ Tịnh xá đi xuống, chúng tôi bắt gặp một con đường đá xanh rêu phong chạy dọc theo mép biển. Con đường này không dài nhưng lại mang một vẻ đẹp rất riêng – những phiến đá xếp chồng lên nhau, tạo thành một lối đi uốn lượn ôm sát bờ biển. Cứ mỗi bước chân đi qua, những mảng rêu bám trên đá lại hiện ra rõ hơn, như thể đang kể một câu chuyện của thời gian. Chúng tôi đi chậm lại, có đứa cẩn thận bước từng bước để không trượt chân, có đứa thì vô tư nhảy lên những phiến đá lớn, dang tay đón gió. 

Có một khoảnh khắc cả đoàn cùng đứng lại, nhìn ra biển xa. Ở đó, những con sóng vẫn không ngừng vỗ vào bờ, như thể đã làm điều này hàng trăm, hàng ngàn năm qua. Và chúng tôi – những kẻ chỉ dừng chân ở đây trong chốc lát – cũng đã để lại một dấu vết nhỏ bé trên con đường đá xanh này. 

Bảo tàng Tổng hợp Bình Định – nơi lưu giữ ký ức  

Chia tay Eo Gió, xe đưa chúng tôi đến Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Nếu như buổi sáng là những trải nghiệm với thiên nhiên, thì nơi này lại đưa chúng tôi trở về quá khứ, về những nét văn hóa của dân tộc, về những năm tháng hào hùng của cha ông. 

Những phiến đá, những bức tượng tái hiện lại về những thời kỳ khai sơ lập nước của nhà nước Văn Lang, Âu Lạc. Những vị thần đại diện cho trời, đất, nước, cho những phương diện phạm trù thuộc về tầng thái ý thức của con người,… Và bước vào thời kỳ hiện đại, những hiện vật, bức ảnh, tư liệu lịch sử xếp ngay ngắn sau lớp kính. Chúng tôi đi chậm rãi, đọc từng dòng chữ ghi chú, cố gắng hình dung về những câu chuyện đằng sau đó. Những lá thư cũ, những khẩu súng đã hoen gỉ, những tấm huy hiệu của người lính từng ra trận – tất cả như đang kể về một thời kỳ mà chúng tôi chỉ có thể đọc trong sách. 

Có những bức thư làm tôi nhớ mãi. Dòng chữ nhòe đi vì thời gian nhưng vẫn còn đó những lời nhắn nhủ đầy xúc động. Lặng cả người vì từng dòng từng dòng trong đó, sâu khắp cõi lòng này chợt dâng lên những nỗi niềm khó tả. Rằng sự bình yên mà chúng tôi đang tận hưởng hôm nay, là thứ đã được đánh đổi bằng biết bao mất mát, đau thương, những con người cầm súng để chúng tôi cầm bút, những con người hiên ngang ôm cả dải đất chữ S vào lòng. Những con người đã hi sinh thân mình cho dân tộc, cho Tổ quốc đều thật vĩ đại và tuyệt vời xiết bao! Mang theo làn sóng cảm xúc dạt dào đó chúng tôi đã rời khỏi Bảo tàng để di chuyển tới những điểm đến tiếp theo. Người đã đi nhưng tâm hồn của chúng tôi dường như vẫn còn tồn tại mãi ở nơi đó… 

Quảng trường Nguyễn Tất Thành – bước chân của một người con vĩ đại  

Buổi trưa, cả đoàn dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống lấy lại sức rồi tiếp tục hành trình vào buổi chiều. Điểm đến tiếp theo là Quảng trường Nguyễn Tất Thành, nơi đặt tượng đài của người thanh niên đã rời quê hương từ chính nơi này để bắt đầu hành trình cứu nước. 

Gió vẫn thổi mạnh, cuốn theo từng đợt không khí thổi tung cả quần áo, mũ tóc. Chúng tôi đứng lặng trước tượng Bác, tưởng tượng về ngày ấy, khi một chàng trai trẻ đứng nơi đây, đôi mắt hướng về phía chân trời xa xăm. Bước chân của Người đã rời khỏi mảnh đất này, để rồi trở về mang theo vận mệnh của cả một dân tộc. 

Có gì đó rất khó diễn tả khi đứng ở đây. Một sự kính trọng lặng lẽ. Một niềm tự hào vô hình. Và đâu đó, có lẽ cũng là một chút suy tư về chính bản thân mình: Liệu chúng tôi – những người trẻ của thời đại này – có đang sống xứng đáng với những hy sinh ấy hay không? 

Ghềnh Ráng – dốc Mộng Cầm và những vần thơ còn vang vọng 

Chúng tôi tiếp tục hành trình đến Ghềnh Ráng Tiên Sa – nơi gắn liền với những năm tháng cuối đời của thi nhân Hàn Mặc Tử. 

Dốc Mộng Cầm, đồi Thi Nhân, bãi tắm Hoàng Hậu, tất cả những cái tên này đều gợi lên một vẻ đẹp rất thơ, nhưng cũng mang chút gì đó buồn man mác. Đứng trước phần mộ của Hàn Mặc Tử, không ai bảo ai, tất cả đều im lặng. Một cuộc đời tài hoa nhưng bạc mệnh, một tâm hồn đã phải chịu quá nhiều đau đớn nhưng vẫn để lại cho đời những vần thơ bất hủ. 

Tìm một chỗ bóng râm để đứng, chúng tôi đứa đứng đứa ngồi để nghe anh hướng dẫn viên du lịch kể về những điều đã xảy ra ở nơi đây. Xúc động, một người bạn cất giọng đọc nhỏ:
“Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
  Đợi gió đông về để lả lơi”
         (Đây thôn Vĩ Dạ Hàn Mặc Tử) 

Tiếng thơ hòa vào tiếng gió thổi qua rặng cây, như thể chính hồn thơ Hàn Mặc Tử vẫn còn lẩn khuất đâu đây. 

Làng phong Quy Hòa – nơi những số phận giao nhau 

Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình là Làng phong Quy Hòa. Đây không chỉ là một khu làng yên bình nằm nép mình bên biển, mà còn là nơi đã từng che chở cho biết bao số phận – những con người từng bị xã hội xa lánh vì căn bệnh phong quái ác. 

Chúng tôi tham gia một chương trình teambuilding nho nhỏ, cùng nhau chơi trò chơi, cùng nhau cười đùa. Máu hơn thua của chúng tôi nổi lên, chính vì thế mà ai ai cũng chơi hết nấc có thể. Rộn ràng rộn ràng cười đùa nhiệt huyết hừng hực cả một góc trời. Ai cũng chơi hết mình, cháy hết mình. “Thắng thì là xứng đáng ấy chứ mà thua thì chắc chắn là do đội kia ăn gian!”  

Có lẽ, những nơi chúng tôi đã đi qua, những câu chuyện chúng tôi đã nghe, đã khiến ai nấy đều muốn trân trọng từng phút giây còn lại của chuyến đi này. 

Một ngày, một hành trình, thật nhiều ký ức vô giá và khó quên 

Xe lăn bánh đưa chúng tôi trở về trường khi trời đã xẩm tối. Nhìn ra cửa sổ, những con đường, những hàng cây của Quy Nhơn cứ lùi dần, nhưng dư âm của chuyến đi thì vẫn còn nguyên vẹn. Thế nên chúng tôi đã hát, đã quẩy hết mình cho những thời khắc cuối cùng của chuyến đi này. 

Tuổi trẻ này mình cùng nhau
Khoác vai đi từ sáng tới đêm
Hát lên như chưa từng được hát
Vui nay thôi ai biết mai sau (em ơi)
Đời loài người này ngắn lắm
Tứ chi ai ôm hết âu lo
Sống như ta chưa từng được sống
Cầm bàn tay nhau đi qua đêm dài, oh-oh
(Bài Ka tuổi trẻ Da LAB và KraziNoyze) 

Chúng tôi đã đi qua những bãi biển đầy gió, những con đường lịch sử, những nơi ghi dấu cuộc đời của những con người kiệt xuất. Chúng tôi đã đứng trước biển cả mênh mông, đã chạm vào những mảnh ghép của quá khứ, đã cảm nhận những câu chuyện không thể kể hết bằng lời. 

Và đặc biệt trong chuyến hành trình này, chính là sự tham gia và góp mặt của lớp 12A6! Được biết, đây chính là năm cuối cấp của các bạn. Thế nên đây chính là một trong những hành trình cuối cùng mà chúng ta đã cùng nhau đi qua, trước khi mỗi đứa rẽ một hướng. Có những khoảnh khắc sẽ không bao giờ gặp lại, có những tiếng cười sẽ chỉ vang lên trong ký ức. Những tấm hình để đời và những khoảnh khắc tràn đầy tiếng nói cười, đẹp đến mức mà bản thân mình chỉ muốn ích kỉ sống mãi tại thời điểm đó, tại không gian đó mà thôi.  

Có lẽ, nhiều năm sau khi nhớ lại, chúng tôi sẽ không chỉ nhớ về những bức ảnh đẹp hay những tràng cười sảng khoái. Mà sẽ nhớ về một ngày mà chúng tôi đã được sống hết mình, đã được hiểu thêm về nơi mình đang đứng, đã biết rằng mỗi hành trình không chỉ là một chuyến đi, mà còn là một câu chuyện để kể lại, một ký ức để giữ mãi trong tim. 

Hôm qua chúng ta vẫn còn ở đó, hôm nay đã thành kỷ niệm. 

Tác giả: Phan Trần Diễm Chi – Lớp 12A6, trường THPT Nguyễn Diêu 

TIN TỨC LIÊN QUAN